Bản tin Tây Ninh

10 điều kiêng kị trong ngày Tết của người Việt Nam

Ông bà ta từng hay nhắc nhở “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Những nguyên tắc, quan niệm trong đời sống hàng ngày cũng chính từ niềm tin tâm linh này mà hình thành nên, đặc biệt là được áp dụng khắt khe vào các dịp quan trọng.

Tết Nguyên đán ở Việt Nam không chỉ mang nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng, giao thoa giữa cái cũ và cái mới; là thời điểm mà đất trời có sự chuyển giao mạnh mẽ. Bắt đầu một năm mới, ai cũng mong có cho mình khởi đầu tốt đẹp, hanh thông nhất. Chính vi vậy, mọi cử chỉ, lời nói, hoạt động cũng đều phải chú ý cẩn trọng hết mức.

Trong ngày Tết, có 10 nguyên tắc “bất di bất dịch” được ông bà, cha mẹ lưu dạy cho con cháu từ nhiều đời nay, với mong ước khởi đầu một năm mới “vạn sự như ý”.

Không quét rác trong ngày Tết

kiêng quét nhà ngày tết

Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe qua sự tích cây chổi, việc không quét nhà 3 ngày Tết là nhờ Ngọc Hoàng ban ơn cho hai kẻ phạm tội nhà trời đã chịu hình phạt suốt hàng ngàn năm qua.

Ở một vài ghi chép khác, quét nhà ngày Tết cũng như quét hết tài lộc ra ngoài. Do đó, nhiều gia đình hầu như không đụng đến cây chổi trong những ngày đầu năm, từ ngày mùng 3 có thể quét dọn nhưng vẫn gom rác vào góc mà chưa đổ ngay.

Không đi chúc Tết vào sáng mùng 1

Người Việt Nam ta có phong tục “đạp đất”, rằng ai đến thăm nhà đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi sự của gia chủ trong năm. Vì vậy, nếu chẳng may tuổi tác, cục mệnh khắc nhau sẽ gây ra ảnh hưởng ít nhiều, chí ít là tâm lý không mấy hài lòng. Vì vậy, nếu không được mời, nên hạn chế đi chúc Tết vào ngày mùng 1, thời gian này phù hợp để đi thăm mộ và chăm sóc cho bàn thờ gia tiên.

Cẩn thận để không làm vỡ đồ dùng

Đầu năm đổ vỡ, cả năm chẳng lành. Các cụ vẫn quan niệm rằng đồ vật bị vỡ tượng trưng cho sự chia ly, rạn nứt. Vì vậy, khi sử dụng ly chén dễ vỡ, hãy hết sức thận trọng ngày đầu năm.

Không vay mượn, trả nợ vào dịp đầu năm

không cho vay mượn tiền

Mọi việc “xuất tiền” vào dịp đầu năm đều dự báo một năm không mấy thuận lợi về tài chính bởi tiền sẽ không cánh mà bay ra liên tục, rơi vào cảnh túng thiếu.

Không nói những điều xui xẻo

Năm mới nên được khởi đầu bằng những điều tốt đẹp, an lành. Nếu lỡ miệng nói điều không hay, ngoài việc bị quở trách, bạn có thể bị chúng “bám đuôi” cả năm.

Kiêng cãi vã, ẩu đả

Bất hòa ngày đầu năm chẳng có gì vui vẻ. Vì vậy, dù bực tức cũng nên bình tĩnh, nhẫn nhịn để mọi thứ được “êm xuôi”, đừng để lời nói khiến không khí đầu xuân bị phá vỡ.

Không cắt tóc, móng tay, móng chân

không cắt tóc

Những việc liên quan đến làm đẹp, vệ sinh thân thể nên kết thúc trước thời điểm giao thừa. Bước sang năm mới, mọi thứ nên ở trạng thái sạch sẽ, tinh tươm nhất. Việc cắt tóc, móng tay bị xem là vứt bỏ những giá trị tốt đẹp đang có.

Không cho nước, cho lửa

Lửa, nước được xem như là tài lộc, sự may mắn. Cho hai thứ này vào đầu năm đồng nghĩa với việc “chối bỏ” tài lộc của mình.

Kiêng ăn các món ăn “xui xẻo”

Các món như mực, vịt, trứng, thịt chó ...được xem là không mấy may mắn, mang vận đen về nhà. Ngay cả ngày mùng 1 các tháng, nhiều gia đình cũng hạn chế ăn chúng.

Hạn chế mặc quần áo màu đen, trắng

hạn chế mặc đồ đen trắng

Mặc dù đây là màu sắc quần áo mang lại sự trang nhã, sang trọng nhưng ngày đầu xuân vẫn phù hợp với những tông màu tươi tắn, rực rỡ hơn. Đen - trắng dễ khiến liên tưởng đến màu tang tóc, chia ly.

Xem thêm: