Bản tin Tây Ninh

Khám phá công dụng chữa bệnh của cây đinh lăng

Cây đinh lăng - loại cây được trồng làm cây cảnh khá phổ biến, đồng thời, đây cũng là một loại cây dược liệu nổi tiếng được trồng nhiều ở miền Bắc. Tuy nhiên, do có nhiều công dụng chữa bệnh nên hiện nay đinh lăng được bán rất nhiều trên mạng xã hội và các chợ đầu mối ở khu vực Nam Bộ. Cây cho thu hoạch lá, ăn như rau sống, củ đinh lăng có tác dụng làm dược liệu trong y học.

Khám phá công dụng chữa bệnh của cây đinh lăng 1

Cây đinh lăng được trồng làm cây cảnh khá phổ biến

Tác dụng dược lý của cây đinh lăng

Đinh lăng là loại cây mà cả lá, thân rễ đều có thể sử dụng làm thuốc. Ở lá đinh lăng chứa ít nhất tới 8 loại saponin oleanolic mới, tên lần lượt là polysciosides từ A đến H. Lá đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống viêm, kháng độc tố, kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa nên thường được hái và ăn kèm nhiều loại đồ ăn sống. Đặc biệt, rễ và thân cây đinh lăng chứa rất nhiều hoạt chất, vitamin và acid amin. Y học cổ truyền ứng dụng rễ đinh lăng là thuốc giúp lợi tiểu, giảm đau nhức dây thần kinh và giảm đau nhức xương khớp. Rất nhiều người ngâm rượu rễ đinh lăng và sử dụng như một loại thuốc bổ, tăng cường tuổi thọ.

Khám phá công dụng chữa bệnh của cây đinh lăng 2

Đinh lăng là loại cây mà cả lá, thân rễ đều có thể sử dụng làm thuốc

Ngoài ra, khoa học hiện đại đã chứng minh, trong cây đinh lăng có rất nhiều loại acid amin như lyzin, xystei, methionin và hàng loạt các hoạt chất có lợi cho sức khỏe như alcaloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B1.

Đối với y học cổ truyền rễ cây đinh lăng có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh phế, tỳ, thận. Rễ đinh lăng có tác dụng bổ khí, giải độc, lợi sữa, chữa bệnh chậm phát dục, bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược thần kinh và thể chất.

Một số bài thuốc chữa bệnh của cây đinh lăng

Với những tác dụng dược lý của cây đinh lăng thì dưới đây là một số bài thuốc có công dụng chữa bệnh rất tốt từ loại “thần dược” này:

  • Bài thuốc chữa mất ngủ: chỉ với một nắm nhỏ lá đinh lăng trộn với tang diệp 20g mỗi vị, lá vông, liên nhục 16g, tâm sen 12g sắc lên mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần uống hết trong ngày. Sử dụng liên tục một tuần sẽ trị dứt điểm chứng mất ngủ.
  • Bài thuốc chữa phong thấp: nguyên liệu gồm 15g rễ đinh lăng sắc chung với cây cối xay, hà thủ ô, cây huyết rồng, cây cỏ xước, thiên niên kiện mỗi vị 10g và 6g quế chi. Mỗi ngày sắc một thang chia làm 2 lần uống. Lưu ý sử dụng uống hết trong ngày. Sử dụng đều đặn khoảng 1 tháng chứng phong thấp sẽ giảm rõ rệt.
  • Bài thuốc bổ bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe: với nguyên liệu chuẩn bị gồm 200g lá đinh lăng tươi, rửa sạch, để ráo rồi đem hãm như hãm lá chè, uống thay nước hàng ngày. Có thể sử dụng nước lá đinh lăng thay nước uống hằng ngày. Hoặc chế biến, sấy khô lá đinh lăng để sử dụng vì lá đinh lăng hãm nước rất tiện lợi, đơn giản lại vẫn đảm bảo các hoạt chất trong lá còn nguyên vẹn, không sợ bị mất mát.
  • Bài thuốc chữa tắc sữa: rất đơn giản với 30g rễ đinh lăng khô cùng với 1 củ gừng bé. Rửa sạch đập dập sau đó sắc với 500ml nước, đến khi còn một nửa thì dừng, chia làm 2 lần, uống hết trong ngày. Sử dụng đều đặn cho đến khi hết tắc sữa.
  • Bài thuốc chữa hen suyễn lâu năm: nguyên liệu gồm rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ dâu ta, nghệ vàng rau cúc tần mỗi vị 10g thêm 8g củ xương bồ và 5g gừng khô. Mỗi ngày sắc 1 thang thuốc trên sắc lên, chia làm 2 lần, uống hết trong ngày. Sử dụng đều đặn khoảng 10 ngày bệnh hen sẽ suy giảm rõ thấy.

Với những công dụng cây đinh lăng đem lại, thiết nghĩ gia đình nào cũng nên trồng ít nhất một loại cây này. Thứ nhất, vừa để làm cảnh, trang trí cho căn nhà thêm xanh, đẹp. Thứ hai, vừa là cây thuốc chữa bệnh an toàn, tiện lợi, dễ dàng, chữa được nhiều căn bệnh thường gặp.

Xem thêm: